Vàng tập trung ở đâu nhiều nhất?
Phần lớn vàng trên Trái Đất tập trung ở phần lõi của Trái Đất, vượt ngoài khả năng khai thác của con người. Giới chuyên gia tính toán có nhiều vàng trên Trái Đất đến mức có thể bao phủ mọi tấc đất tới độ sâu 50 cm. Nhưng vàng vẫn là kim loại quý hiếm bởi phần lớn vàng chìm xuống lõi Trái Đất và ở ngoài tầm với của mọi nhà khai thác.
Lõi Trái Đất gồm chủ yếu là sắt và nickel. Các nhà nghiên cứu phát hiện điều đó thông qua cách sóng địa chất truyền từ động đất qua lõi. Tuy nhiên, sự tồn tại của khối tạp chất làm thay đổi mật độ sóng nhưng quá khó xác định cụ thể, trừ khi bức xạ của chúng góp phần vào nhiệt độ cao giống như uranium và thorium.
Sự tồn tại của khối tạp chất chứa kim loại quý hiếm vẫn là một bí ẩn. Tuy nhiên, năm 2006, một nhóm nhà khoa học tìm ra cách ước tính số lượng của chúng. Theo họ, một số tiểu hành tinh có thành phần cấu tạo tương tự Trái Đất do hình thành ở cùng khu vực trên đĩa tiền hành tinh. Thông qua đo thành phần thiên thạch carbon chondrite meteorite đến từ những tiểu hành tinh này, họ có thể tính toán số lượng mỗi nguyên tố có trên Trái Đất. Trừ đi mật độ đã biết ở lớp vỏ và lớp phủ, nhóm nghiên cứu có thể suy ra số lượng ở lõi Trái Đất của nguyên tố đó.
Theo các nhà nghiên cứu, Trái Đất có thể được bao phủ bởi đại dương đá nóng chảy sâu hàng trăm kilomet vào thời kỳ này. Đại dương magma này phản ứng với kim loại trong suốt thời gian phát triển hành tinh, chắt lọc nhiều nguyên tố quan trọng, trong đó có vàng, và lắng đọng chúng ở phần lõi giàu sắt của Trái Đất.
Sau khi so sánh vỏ Trái Đất với thiên thạch, nhóm nghiên cứu nhận thấy Trái Đất rất giống các thiên thạch về mặt hóa học nhưng lớp vỏ của nó bị mất phần lớn nguyên tố hòa vào sắt như vàng, bạch kim và nickel. Nơi duy nhất để chúng tích tụ là phần lõi nóng chảy.
Dựa trên điều này, các nhà khoa học có thể tính toán số lượng mỗi nguyên tố hòa lẫn với sắt lỏng và phát hiện hơn 99% vàng trên Trái Đất nằm ở lõi. Tương tự, các tiểu hành tinh còn tồn tại, đặc biệt là vật thể đại diện cho lõi của vi thể hành tinh, vẫn lưu giữ lượng lớn nguyên tố. Việc tiếp cận chúng khá khó khăn, nhưng vẫn dễ hơn nhiều so với khoan tới lõi. Đó là lý do NASA lên kế hoạch phóng tàu thăm dò tới tiểu hành tinh Psyche trong hai tháng.
Các bài báo về nhiệm vụ Psyche thường ước tính giá trị của tiểu hành tinh vào khoảng 10 tỷ tỷ USD, nhưng nếu có sẵn nguồn kim loại quý hiếm lớn như vậy, giá trị của chúng sẽ giảm mạnh. Điều tương tự cũng đúng với giá vàng. Nếu con người có thể đưa tất cả vàng từ lõi lên mặt đất, không ai bỏ tiền mua nó nữa.
(KT biên soạn tổng hợp)